Tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính

Bài 1: Những quyết sách từ trái tim

- Thứ Ba, 05/03/2024, 07:05 - Chia sẻ

Phụ nữ tham chính hay phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị đã không còn là khái niệm quá xa lạ ở Việt Nam. Theo đó, việc bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu dân cử phù hợp; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới… đã tạo những chuyển biến quan trọng. Nhiều quyết sách nhân văn, bảo đảm quyền con người, tạo sinh kế để phụ nữ và trẻ em được quan tâm, hỗ trợ, phát triển được ra đời có vai trò quan trọng từ chính những nữ đại biểu của dân.

Nhờ các quyết sách của HĐND, phụ nữ buôn H'đơk, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk  tự tin làm chủ cuộc sống
Nhờ các quyết sách của HĐND, phụ nữ buôn H'đơk, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tự tin làm chủ cuộc sống

Tại Kỳ họp thứ Mười, ngày 26.11.2006, Quốc hội Khóa XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới với 6 chương, 44 điều. Hơn 15 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về giới, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng cho phụ nữ trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Kết quả bầu cử ĐBQH Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ 26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ đại biểu HĐND các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam.

Phát huy tinh thần, trách nhiệm, các nữ đại biểu Quốc hội và HĐND trong cả nước đã bám sát quy chế, kế hoạch hoạt động để xây dựng, triển khai tốt kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, nữ đại biểu dân cử chính là “cầu nối” quan trọng đưa tiếng nói của phụ nữ và trẻ em lên diễn đàn Quốc hội và HĐND các cấp. Từ đó, gián tiếp bảo vệ quyền con người, nhất là đối với quyền của những đối tượng dễ bị tổn thương trên chính trường.

Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển

Là địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành khá nhiều chính sách về phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển. Theo đó, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên của thành phố, trong đó mức chi đối với vận động viên nữ được quy định cao hơn vận động viên nam 10%.

Xác định tính chất khó khăn và vất vả của đội ngũ những người làm công tác nuôi dạy trẻ, trong đó hầu hết đều là giáo viên nữ, HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên mầm non trên địa bàn, quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ và thu hút giáo viên mầm non công lập nhằm phần nào tạo điều kiện cho các cô nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. “Những quyết sách của HĐND thành phố đã tạo điều kiện cho chúng tôi - những giáo viên mầm non bám lớp, bám trường, yên tâm công tác. Chúng tôi thực sự biết ơn HĐND, đặc biệt là nữ Chủ tịch HĐND thành phố đã quyết liệt trong các quyết sách, ưu tiên cho phụ nữ” - Cô giáo Lê Thị Hồng Nhung, giáo viên Mầm non tại Phường 8, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Lồng ghép giới trong các quyết sách

Vấn đề lồng ghép giới trong các quyết sách của HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cũng được quan tâm. Ngoài các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều có các giải pháp bảo đảm bình đẳng giới, trong phân bổ ngân sách, các nội dung thuộc thẩm quyền được luật giao, HĐND thị xã đã ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình, đề án, nguồn lực phát triển các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ. Chính nhờ các quyết sách kịp thời, sát trúng, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ trên địa bàn ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng cùng cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng xây dựng thị xã dưới chân núi Hồng vươn tới đô thị văn minh.

“Ngoài bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu trong HĐND các cấp trên địa bàn, HĐND hai cấp tại thị xã Hồng Lĩnh đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động cho nữ đại biểu dân cử. Các quyết sách HĐND thị xã cũng như HĐND phường, xã ban hành có sự đóng góp quan trọng của nữ đại biểu từ khâu thẩm tra, lấy ý kiến đến bàn bạc, thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Trong đó, có những nghị quyết lồng ghép giới, ưu tiên cho phụ nữ được HĐND 2 cấp thông qua. Đây vừa là minh chứng cho lời hứa của các nữ ứng cử viên trên địa bàn khi vận động bầu cử; đồng thời, cũng là sự khẳng định vững chắc tiếng nói của nữ đại biểu trên nghị trường” - Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh, nữ đại biểu HĐND thị xã Khóa VII chia sẻ.

Đưa các quyết sách về với phụ nữ, trẻ em

Là địa bàn dân cư ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, HĐND xã Ea Kao đã có những quyết sách phù hợp, góp phần quan trọng phát huy các chương trình mục tiêu quốc gia, đưa các nghị quyết của HĐND thành phố về với phụ nữ, trẻ em, trong đó có phụ nữ là người Êđê. Theo chân Ủy viên Ban Kinh tế - Xã hội HĐND xã Ea’Kao, H’Bic Buôn Jă đi một vòng quanh buôn H’Đơk, có thể thấy cuộc sống của bà con nơi đây đã, đang và sẽ khởi sắc từng ngày.

Để đưa các quyết sách của Trung ương, của tỉnh, thành phố và xã về với buôn làng, những nữ đại biểu HĐND xã như H'Bic đã có những cách làm hay, sáng tạo, “xuất phát từ con tim của mình” đúng như lời H’Bic chia sẻ: Vừa là đại biểu lại là Buôn trưởng, để chuẩn bị cho bà con nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, nhất là với phụ nữ Êđê, tôi cùng với các đại biểu HĐND, cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an Nhân dân tuyên truyền, phổ biến nghị quyết gắn với các quy định của Chính phủ, của tỉnh, thành phố và xã trên các lĩnh vực. Trọng tâm vẫn là về bảo đảm các hoạt động an ninh trật tự, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới. “Hiện nay, buôn có 373 hộ, 1.785 nhân khẩu, cả buôn chỉ còn có 1 hộ nghèo. Năm mới chắc chắn sẽ xóa hết nghèo, cử tri và Nhân dân rất phấn khởi, biết ơn Đảng, Nhà nước” - H’Bic chia sẻ.

LÊ HỒNG HẠNH, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
#